Hoa Trường Sa

Tôi đã được nghe nhiều về thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa, về gió bão, mưa giông, về cái nắng như cháy da cháy thịt… ở những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc này. Những cái tên thực vật như cây Phong ba, những địa danh như đảo Sinh Tồn… làm cho người ta liên tưởng tới cuộc đấu tranh gay gắt, vật lộn với thiên nhiên để thích nghi và bảo tồn cuộc sống.

Từ 25/4 tới 4/5/2017 chúng tôi đã may mắn được tham gia Đoàn công tác số 8 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm trưởng đoàn với sự tham gia của 196 thành viên, trong đó có 60 kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chuyến thăm này đã mang lại cho chúng tôi một sự bất ngờ: Đó là hoa ở Trường Sa. Trên tất cả các đảo mà tôi được ghé thăm như các đảo nổi Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa lớn cũng như các đảo chìm như đảo Colin, Đá Đông B, Đá Tây A và nhà gian DK1/11, đâu đâu cũng thấy hoa. Hoa nở rực rỡ ở khắp nơi, trước Nhà Văn hóa, trước trường tiểu học, trong nhà chùa, tại khuôn viên Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, trong các công viên đặt tượng đài Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Võ Nguyên Giáp, trước nhà dân…

Hoa nở rực rỡ như thách thức cái nắng chói chang, cái gió nóng ào ạt làm cho các cây phong ba phải oằn mình chống đỡ để vươn lên. Sức sống của hoa Trường Sa chẳng khác gì các chiến sĩ Trường Sa trẻ măng, tuổi mới 18 đôi mươi, da đen bóng vì nắng gió, nhưng vẫn luôn hồn nhiên, vui vẻ, tràn đầy sức sống và sẵn sàng chiến đấu.

Trong cuộc sống đầy gian khổ vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có nơi còn khan hiếm nước ngọt, nhưng các cán bộ, chiến sĩ và người dân của ta trên các đảo thuộc Trường Sa không chỉ lo tăng gia, sản xuất để có thêm thịt, rau, thức ăn tươi… tức là không còn chỉ lo cái ăn, mà đã biết lo tới cái đẹp, lo tới hoa, tức là đời sống tinh thần của họ đã khá phong phú và họ đã rất lạc quan về đời sống và sự phát triển của đảo trong tương lai.

Văn Long – Thoibao (Ghi chép ở Trường Sa)