Pass 51 để cư trú hợp pháp ở Đức là gì?

Một số người Việt ở Đức thường khoe với nhau là họ có “Pass 51” rất xịn, vậy đây là loại hộ chiếu gì và người có hộ chiếu này được đi lại những đâu?

Đây là một loại giấy thông hành, thay thế cho hộ chiếu, được cấp cho người tị nạn theo tinh thần của Công ước Geneve về người tị nạn (GFK). Trên tờ bìa của hộ chiếu có ghi rõ Công ước ngày 28/7/1951, nên người Việt thường gọi tắt là Pass 51 cho dễ, trong khi Đức thường gọi tắt là Hộ chiếu Công ước. Cơ sở pháp lý của việc cấp hộ chiếu này là điều 28 của GFK. Người tị nạn được cấp hộ chiếu này nhằm được bảo vệ trước các biện pháp truy bức của nước xuất xứ.

Pass 51 bao giờ cũng được in bằng 2 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và tiếng Đức.

Con của người mang hộ chiếu này cũng có thể được ghi tên vào đây.

Lệ phí cấp hộ chiếu này không được cao hơn lệ phí cấp hộ chiếu thông thường của nước này dành cho công dân của mình.

Hộ chiếu này có giá trị đi khắp thế giới, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.

Hộ chiếu được cấp có giá trị từ một tới ba năm.

Quốc gia cấp hộ chiếu sẽ cấp lại hoặc gia hạn hộ chiếu, nhưng trong trường hợp người có hộ chiếu này chuyển tới định cư ở một quốc gia khác thì nước đó sẽ cấp mới, thu hồi hộ chiếu cũ dành cho người tị nạn, gửi trả lại quốc gia đã cấp hoặc hủy.

Cơ quan đại diện ở nước ngoài của quốc gia cấp hộ chiếu đó được quyền gia hạn hộ chiếu đó tới 6 tháng.

Về nguyên tắc, các nước tham gia ký kết Công ước Geneve phải công nhận Giấy thông hành dành cho người tị nạn do nước thành viên khác cấp.

Visa có thể được dán vào Giấy thông hành dành cho người tị nạn.

Nếu người mang hộ chiếu có Visa của một nước là đích đến, thì các nước quá cảnh phải cấp thị thực quá cảnh, nếu không có lý do từ chối.

Lệ phí Visa danh cho người mang hộ chiếu này không được cao hơn mức Visa tối thiểu dành cho người nước ngoài.

Trong thời gian hộ chiếu còn giá trị thì quốc gia cấp hộ chiếu phải nhận lại người mang hộ chiếu, nhưng có quyền đòi Visa hoặc các thủ tục khác.

Giấy thông hành dành cho người tị nạn không có giá trị bảo hộ ngoại giao hoặc bảo hộ lãnh sự.

Giấy thông hành dành cho người tị nạn do một nước thành viên Hiệp ước Schengen cấp sẽ được đi lại tự do trong các nước Schengen khác.

Nghe nói, những người Việt có “Pass 51” khi muốn về Việt Nam thăm gia đình thường phải xin thị thức rời, vì nếu phía Đức biết sẽ thu lại hộ chiếu, do họ khai man là “sợ về Việt Nam bị truy bức chính trị”.

Trung Khoa – Thoibao.de