Nóng “bỏng”! Ca sĩ Mỹ Linh đóng Bà Trưng bằng y phục “xuyên thấu”!

Tối 3/2, trong chương trình “Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng 2023”, ca sĩ Mỹ Linh đã tái hiện hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu, trong hoạt cảnh Nam Quốc Sơn Hà – Đất Nước Lời Ru.

Điều khiến cộng đồng mạng bàn tán xôn xao, là y phục mà ca sĩ này mặc khi trình diễn.

Chuyện về y phục của nghệ sĩ là vấn đề thường gây tranh cãi. Là ca sĩ, ngoài giọng ca thì họ cần làm cho bản thân nổi bật trước khán giả khi trình diễn. Có ca sĩ thích mặc đồ lòe loẹt để tạo điểm nhấn, hoặc tạo scandal về mình, cho dù tạo ra những bàn luận không tốt. Có người tạo kiểu tóc, tạo dáng trông cho thật khác lạ vv… Giọng ca càng kém thì càng phải “làm màu”, càng cố tình tạo scandal để gây ấn tượng.

Nữ nghệ sĩ luôn có lợi thế, bởi họ có thể khoe những đường cong cơ thể, tạo sức hút đối với khán giả. Và trong đó, y phục xuyên thấu là một chọn lựa không tồi. Ngay cả những nghệ sĩ ở các nước tiến bộ như Mỹ và châu Âu cũng thế. Là nữ ca sĩ, lại có thể hình đẹp trời phú, thì có ai lại không tận dụng.

Còn nhớ, hồi tháng 5/2019, tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72, Ngọc Trinh đã xuất hiện tại buổi công chiếu bộ phim “A hidden life” nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim, theo lời mời của nhà tài trợ. Tuy nhiên, cô đã gây sốc khi diện trang phục đen mỏng manh, để lộ ra những phần nhạy cảm. Với trang phục như thế, Ngọc Trinh đã gây ra làn sóng tranh luận dữ dội trong báo giới và cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Mặc dù, hầu hết là những lời phê phán, tuy nhiên, đấy lại là thành công của cô chân dài này, vì thu hút được sự chú ý của dư luận.

Trở lại câu chuyện của Mỹ Linh, cô đã diện bộ y phục Hai Bà Trưng bằng quần vải mỏng xuyên thấu. Tuy là mặc đồ phủ chân, nhưng khán giả không khó để nhìn thấy toàn bộ cặp đùi của cô ca sĩ. Điều này bị đánh giá là không phù hợp, bởi thời của Hai Bà Trưng, làm gì có loại vải mỏng đến xuyên thấu như thế?

Thể hiện nhân vật lịch sử cổ xưa là một điều khó, bởi không có hình ảnh lưu lại về hình dáng và trang phục. Y phục của thời đại cách đây 2000 năm, không biết, chính xác nó như thế nào. Tuy nhiên, có thể đưa ra giới hạn là thời đó, Hai Bà không thể có được loại vải xuyên thấu như ngày nay. Vải xuyên thấu là một sản phẩm của thời hiện đại. Việc Mỹ Linh diện y phục như vậy, đã tạo nên hình ảnh Hai Bà Trưng không nghiêm túc, méo mó lịch sử.

Tạo ấn tượng trước khán giả là một nhu cầu chính đáng của ca sĩ. Hình ảnh ấn tượng sẽ duy trì danh tiếng, mà có duy trì được danh tiếng, thì sự nghiệp mới kéo dài, và đồng nghĩa với việc hái ra tiền.

Tuy nhiên, với Mỹ Linh thì có lẽ không cần phải hy sinh hình ảnh truyền thống của Hai Bà Trưng, bởi dù không có chương trình này, cô cũng đã quá nổi tiếng rồi. Nếu phần thiết kế trang phục tôn trọng lịch sử hơn, thì có lẽ, Mỹ Linh sẽ có được điểm tốt trong mắt khán giả khó tính. Với cách diện trang phục như vậy, cô bị một số cây bút có tiếng chê là “rẻ tiền”.

Việc phù hợp giữa nội dung và hình thức là điều không thể xem thường. Không thể hát nhạc bolero mà lại nhảy theo phong cách của Michael Jackson. Chương trình ca nhạc cũng thế. Nếu là loại nhạc thị trường, ca sĩ có quyền “sáng tác” y phục, miễn sao tạo ấn tượng. Nhưng với chương trình ca nhạc có yếu tố lịch sử, nếu chỉ chăm chăm để ý đến cách ăn mặc gây ấn tượng, mà quên đi yếu tố lịch sử, thì xem như, chương trình hỏng, nó không thể có giá trị bền lâu với thời gian.

Âm nhạc Việt Nam vốn đã phát triển rất chậm, một trong những nguyên nhân chính là do bàn tay kiểm duyệt của Đảng. Đảng kiểm duyệt rất gắt gao nội dung chương trình, tuy nhiên, về chất lượng thì lại thả nổi, đặc biệt là các chương trình ca nhạc trên truyền hình. Từ đó mới có những chương trình đầy “sạn” như thế.

 

Trà My – Thoibao.de

6.2.2024