Có thể hy vọng vào việc Tô Tổng cải cách di sản “tư tưởng Đảng” của Tổng Trọng, vì sự phát triển của đất nước?

Ngày 13/8, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của blogger Huỳnh Trần, với tựa đề “Tân Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản “dở dang” của người tiền nhiệm thế nào?”

Tác giả đặt vấn đề: Tô Tổng sẽ bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào?

Theo đó, trong nỗ lực cứu Đảng, Tổng Trọng đã nhân danh một chiến dịch chống tham nhũng, nhằm cố gắng thay đổi bản chất con người, thay vì thay đổi hệ thống chính trị đầy tham nhũng. Trong đó, ông đề cao “đức trị” của Khổng giáo, vận dụng tư tưởng Mác – Lênin, đề cao Chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa chuyên chế, tái tập trung quyền lực Đảng, bỏ qua các quy tắc và chuẩn mực nhằm kiểm soát quyền lực, lấn át phân quyền, đàn áp giới bất đồng chính kiến, xóa sổ xã hội dân sự, và thúc đẩy sự trỗi dậy của ngành công an…

Theo tác giả, tất cả những điều trên tạo nên “hệ tư tưởng Đảng”, cung cấp cơ sở để lý giải nguyên nhân vì sao Đại tướng Công an Tô Lâm, dù không phải là người kế vị chính thức, nhưng đã nhanh chóng và “suôn sẻ” thâu tóm quyền lực.

Giờ đây, các nhà quan sát đang dõi theo, xem ông Tô Lâm bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào?

Tác giả cho rằng, về nguyên lý và thực tế chỉ ra, hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là “bản sao” rõ nét nhất từ mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự tương đồng này được làm sâu sắc hơn, từ khi Tổng Trọng lên cầm quyền song hành với Tập Cận Bình.

Việc vận dụng mô hình Trung Quốc vào thực tế Việt Nam và tìm bản sắc dân tộc, trong nỗ lực xây dựng cơ sở lý luận bởi Tổng Trọng cho hệ tư tưởng Đảng, cũng là “thành công.”

Tuy nhiên, theo tác giả, việc vận dụng triết lý thực dụng Đặng Tiểu Bình vào môi trường “Đổi mới” ở Việt Nam, dường như không được “đậm nét”, thậm chí là “sai lệch”. Trong đó, vai trò của Đảng yếu dần, trong khi Chính phủ có xu hướng mạnh lên, lấn át. Tổng Trọng đã nhận thấy và định danh là những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” kèm theo với nạn tham nhũng. Ông đã nỗ lực giành lại quyền lãnh đạo tập trung của Đảng, trong đó tăng cường chống tham nhũng kết hợp thanh trừng phe phái và củng cố tư tưởng Đảng. Đó thực sự mang “dấu ấn” của ông Trọng, và, những gì diễn ra từ đó cho đến nay… hình thành các di sản nhưng còn dở dang cho thế hệ lãnh đạo sau, khởi đầu là tân Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tác giả đánh giá, quá trình vận hành hệ tư tưởng Đảng trong bối cảnh chuyển đổi thị trường, đã chỉ ra thực tế không “bền vững”. Thay thế công cụ kế hoạch hoá tập trung, kinh tế thị trường đã khiến các quốc gia với chế độ Đảng Cộng sản toàn trị tuân theo tính quy luật phát triển với chu kỳ thịnh suy: trỗi dậy, đỉnh cao và thoái trào. Mô hình Trung Quốc đang suy thoái với nhiều vấn đề thách thức, và, Việt Nam cũng vậy. Giới cầm quyền đang bảo vệ tư tưởng Đảng bằng cách tăng cường chuyên chế, bạo lực, theo luật “Quân vương”, với sự tàn bạo của nhà cai trị “thà phụ người chứ không để người phụ ta”. Trong khi các nỗ lực “lãnh đạo trí tuệ và đạo đức” của Đảng như đề xuất “làm chủ văn hoá”, thì ngày càng trở nên xa thực tế thị trường và kém thuyết phục, bởi tha hóa quyền lực, tham nhũng.

Tác giả kết luận, di sản là di sản, nhưng còn “dở dang”, nên sự thay đổi sẽ khó lường, không chỉ tuỳ thuộc vào ý chỉ chủ quan của cá nhân lãnh tụ của chế độ. Một số yếu tố của tư tưởng Đảng đang có xu hướng quay về quá khứ toàn trị “kiểu Mao”, trong đó nổi bật là hai chủ lưu “chính trị ký ức” và “tôn giáo chính trị”, được nỗ lực truyền bá phục vụ duy trì chế độ.

Liệu có thể hy vọng, tân Tổng Bí thư Tô Lâm và những thế hệ kế tiếp sẽ thực dụng, để cải cách hệ tư tưởng phục vụ cho sự phát triển đất nước, khi đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của chế độ?

 

Xuân Hưng – thoibao.de