Chế độ Công an trị dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm đang diễn ra thế nào?

Người Việt Nam có truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hay “Lá lành đùm lá rách”, thể hiện sự yêu thương và quan tâm đến đồng bào mình.

Đợt lũ sau cơn bão số Yagi, đã để lại những hậu quả khủng khiếp chưa từng thấy. Lập tức, các hoạt động cứu trợ và từ thiện đã diễn ra sôi nổi khắp nơi. Điều đó phần nào làm giảm bớt những khó khăn của người dân vùng lũ, hay các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những lùm xùm quanh câu chuyện một tài khoản ngân hàng ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt 10.000 đồng, kèm theo thông tin “Rạp xiếc Trung ương ủng hộ”, đã gây xôn xao dư luận. Thông tin này được chia sẻ rộng rãi, và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, đồng thời, đã gây ra hiểu nhầm thành: Tập thể cán bộ công nhân viên Liên đoàn xiếc Việt Nam ủng hộ 10.000 đồng.

Thực tế, nam sinh viên N.M.Đ., sinh năm 2003, là sinh viên năm 4 của một trường Đại học tại Hà Nội, thông qua tài khoản messenger của Fanpage Facebook có tên “Rạp xiếc Trung ương”, chuyển khoản 10.000 đồng để ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Tuy nhiên, sinh viên này đã không thông báo, trao đổi với các thành viên trong nhóm.

Được biết, trang Fanpage “Rạp xiếc Trung ương” được thành lập từ năm 2022, của một nhóm sinh viên đại học trên địa bàn Hà Nội. Fanpage này được dùng trong việc trao đổi học tập, và không liên quan gì đến Liên đoàn xiếc Việt Nam. Nam sinh viên này, sau đó đã chủ động gọi đến đường dây nóng của Liên đoàn xiếc Việt Nam, thừa nhận mình là người thực hiện giao dịch này.

Tuy nhiên, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội lại đi xác minh sự việc, và mời anh  đến làm việc. Điều này được cho là không cần thiết, và đã khiến cho sự việc trở nên nghiêm trọng.

Theo truyền thông nhà nước:

“Cơ quan công an đã lập biên bản nhắc nhở, răn đe đối với sinh viên N.M.Đ, đồng thời, trao đổi với nhà trường, để tăng cường công tác quản lý sinh viên trong thời gian tới.”

Công luận không đồng tình, khi cho rằng, việc làm của Công an Hà Nội chỉ làm xấu thêm hình ảnh một xã hội, vốn đã mang danh là xã hội “Công an trị”. Nếu tìm hiểu sẽ thấy, trên mạng xã hội Facebook của người Việt, tồn tại hàng chục Fanpage của các hội, nhóm, có tên giống với tên của Rạp xiếc Trung ương, hay Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Hơn thế, nhiều ý kiến phản đối, và khẳng định, không một tổ chức hay cá nhân nào, kể cả cơ quan công an, có quyền truy vấn như tội phạm, đối với những người đóng góp từ thiện, với lý do họ chỉ đóng góp 10.000 đồng.

Tại sao, công an và các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, không thực thi chức trách của mình, trong việc giám sát xem các cơ quan Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc các cấp, sử dụng tiền cứu trợ ra sao, có tình trạng bớt xén, tham nhũng hay không? Mà lại mất thời gian cho một chuyện vụn vặt, để mang tiếng xấu cho cả nhà nước và chế độ.

Khi đánh giá về chế độ hay xã hội công an trị ở Việt Nam hiện nay, dư luận trong nước cũng như quốc tế, đều có chung nhận định, rằng: Trong thể chế Công an trị ở Việt Nam, công an có đủ các quyền để sách nhiễu người dân. Đây chính là nạn kiêu binh, khi công an đứng trên cả luật pháp, khiến cho số đông dân chúng phải sợ hãi. Đây là một sản phẩm của bệnh kiêu ngạo Cộng sản, họ không muốn thua bất kể ai, nhất là thua dân.

Đây cũng là thứ công cụ chuyên chính của những người nhân danh Cộng sản, trong đó, công an – lực lượng nòng cốt, được phép sử dụng rất nhiều quyền lực, mà không bị ai phán xét.

Cho đến nay, lực lượng Công an Việt Nam đã trở thành kiêu binh, vượt ra khỏi sự kiểm soát của Đảng. Thậm chí, lực lượng này đã trở thành công cụ trấn áp ngay trong nội bộ Đảng, như đã thấy dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm.

 

Trà My – Thoibao.de