Khẩu phần bánh mì bị cắt giảm và chất lượng kém, người Cuba đối mặt với cuộc sống khó khăn

Ngày 17/9, RFA Tiếng Việt loan tin “Cuba cắt giảm khẩu phần bánh mì hàng ngày vì khan hiếm nguyên liệu”.

Theo đó, hôm thứ Hai (16/9), chính quyền Cộng sản Cuba đã cắt giảm 25% trọng lượng khẩu phần bánh mì hàng ngày, được nhà nước bao cấp. Đây là sự thiếu hụt mới nhất, gây khó khăn thêm cho chương trình bao cấp kéo dài hàng thập kỷ, do ông Fidel Castro quá cố lập ra.

VOA cho biết, bánh mì – một trong những loại thực phẩm cơ bản ít ỏi, vẫn được bao cấp ở Cuba, sẽ bị giảm từ 80 gram xuống còn 60 gram, tương đương với trọng lượng của một chiếc bánh quy thông thường, hoặc một bánh xà phòng nhỏ. Giá của nó cũng giảm nhẹ, chỉ còn dưới 1 peso, tương đương 84 đồng Việt Nam, hoặc 1/3 xu Mỹ.

Nhưng, theo VOA, nhiều người dân Cuba – với thu nhập khoảng 4.648 peso một tháng, hay gần 370.000 đồng (khoảng 15 đô la) – hầu như không đủ khả năng mua bánh mì đắt tiền hơn trên thị trường tư nhân, khiến họ không còn nhiều lựa chọn khác.

VOA dẫn lời bà Dolores Fernandez – một cư dân Havana, nói với một hãng tin quốc tế, khi bà đứng bên ngoài một tiệm bánh hôm 16/9, rằng:

“Chúng tôi phải chấp nhận thôi, chúng tôi còn có thể làm gì khác?” “Không có lựa chọn nào khác.”

VOA cũng cho biết, tuần trước, Cuba nói rằng, họ đã hết bột mì cần có để sản xuất bánh mì – một tình trạng khó khăn mà Chính phủ Cuba quy cho lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ – là một tập hợp phức tạp các biện pháp cấm đoán gây khó cho các giao dịch tài chính toàn cầu của Cuba.

Đảo quốc Caribe này đang bị thiếu hụt nghiêm trọng về lương thực, nhiên liệu và thuốc men, tình trạng này đã dẫn đến cuộc di cư kỷ lục của công dân nước này sang Hoa Kỳ gần đó.

VOA cho hay, sổ tem phiếu của Cuba, được người dân của hòn đảo này gọi là “libreta”, từng được coi là dấu ấn lớn của cuộc Cách mạng năm 1959, của ông Fidel Castro. Nó cung cấp nhiều loại sản phẩm được trợ giá rất nhiều, cho tất cả người dân Cuba, bao gồm bánh mì, cá, thịt, sữa và các đồ dùng vệ sinh.

Ngày nay, Chính phủ Cuba gặp khó khăn vì khủng hoảng, họ chỉ cung cấp một phần nhỏ trong số những sản phẩm đó, và chúng thường đến muộn, chất lượng kém, hoặc thậm chí là không hề có.

VOA dẫn lời ông Bernardo Matos, người Havana, nói rằng, ông không phát hiện thấy sự thay đổi về kích thước bánh mì hôm 16/9, nhưng ông không hài lòng với chất lượng.

“Chất lượng tệ quá”, ông nói ngay sau khi mua khẩu phần ăn của mình. “Bột có vị như axit”.

Vẫn theo VOA, Chính phủ Cuba nói, họ có kế hoạch tăng cường kiểm tra các tiệm bánh của nhà nước, để đảm bảo chất lượng không bị ảnh hưởng.

Được biết, kể từ đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu đã tăng 500%, điều này đã gây rắc rối cho Cuba, nước này chủ yếu sử dụng các nhà máy điện đốt dầu. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela – đồng minh và là nguồn cung xăng dầu ít ỏi của Cuba, đã khiến nguồn cung này bị gián đoạn. Việc mất điện luân phiên đã xảy ra trên diện rộng ở Cuba.

Về thực phẩm, Cuba chủ yếu dựa vào nhập khẩu, khoảng 7 tỷ USD mỗi năm. Nay do nguyên liệu khan hiếm nên một phần dự trữ ngoại tệ để mua thực phẩm đã phải chuyển sang mua nhiên liệu.

Cùng với đó là mùa màng thất bại, khiến Cuba phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Những khó khăn này đã khiến các cuộc biểu tình bùng phát, từ tháng 3/2024, bắt đầu từ thành phố Santiago, rồi dần dần lan sang những thành phố khác.

Sau khi các cuộc biểu tình diễn ra, Chính phủ Cuba đã liên hệ Chương trình Lương thực Thế giới, nhằm cung cấp sữa bột cùng nhiều mặt hàng khác, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết và sự bất mãn vẫn tiếp tục gia tăng.

 

Quang Minh – thoibao.de