Mong muốn một minh quân lãnh đạo, thể hiện sự bế tắc trong thay đổi

Ngày 16/9, Facebooker Lê Vĩnh Triễn bình luận trên trang cá nhân: Mong muốn có một minh quân trong chế độ chuyên chế, toàn trị: Ảo tưởng vô minh hay biểu hiện của sự tuyệt vọng?”

Tác giả cho rằng, trong các chế độ chuyên chế và toàn trị, quyền lực tập trung tuyệt đối vào một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ lãnh đạo, khiến người dân mất đi quyền kiểm soát và tiếng nói. Trong bối cảnh như vậy, mong muốn có một “minh quân” xuất hiện để cứu rỗi đất nước, thường xuất hiện như một niềm hy vọng mong manh.

Tác giả nhận xét, mong muốn này có thể được xem là một ảo tưởng vô minh. Bởi vì, nó dựa trên những hiểu lầm về bản chất của quyền lực, và sự yếu kém của hệ thống chính trị độc tài. Nếu không, nó có thể là biểu hiện của một sự tuyệt vọng, khi người dân không còn cách nào khác, để thay đổi tình hình chính trị và xã hội của họ.

Tác giả chỉ ra, mong muốn có một minh quân trong chế độ toàn trị, thường xuất phát từ sự ngộ nhận rằng, chỉ cần có một nhà lãnh đạo tài giỏi, quốc gia sẽ có thể vượt qua khủng hoảng và đạt được thịnh vượng. Tuy nhiên, điều này là một lầm lẫn nhận thức hay ảo tưởng, vì nó dựa trên một số hiểu lầm căn bản về bản chất của quyền lực và chính trị, trong các chế độ chuyên chế.

Theo tác giả, lịch sử đã chứng minh rằng, “quyền lực tuyệt đối dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối”. Trong một chế độ toàn trị, nơi không có cơ chế giám sát và kiểm tra từ phía người dân, ngay cả những nhà lãnh đạo có ý định tốt đẹp ban đầu, cũng dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc của tham nhũng và bạo quyền.

Thậm chí, ngay cả khi minh quân có thể kiểm soát bản thân, hệ thống xung quanh ông ta cũng dễ dàng tha hóa. Các nhóm quyền lực ngầm và phe phái sẽ cố gắng kiểm soát minh quân, thao túng quyền lực vì lợi ích riêng.

Hơn nữa, tác giả nhấn mạnh, trong chế độ toàn trị, không có cơ chế nào để giám sát hành vi của minh quân, hoặc buộc ông ta phải chịu trách nhiệm trước người dân.

Do đó, việc mong chờ một minh quân để duy trì sự ổn định và thịnh vượng, là một ảo tưởng, bởi vì nó không bảo đảm được tính bền vững của một chế độ công bằng.

Tác giả đánh giá, mong muốn có minh quân còn là biểu hiện của sự tuyệt vọng. Khi người dân sống trong bối cảnh không có quyền tự do chính trị, không có cơ hội để thay đổi hệ thống, thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, họ có thể chuyển từ mong muốn quyền tự do, sang việc cầu mong một cá nhân lãnh đạo tốt bụng, sẽ giải cứu họ khỏi khổ nạn.

Vẫn theo tác giả, trong nhiều quốc gia chuyên chế, người dân bị tước đi các quyền cơ bản, như tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền tham gia vào quá trình quyết định chính trị. Việc kêu gọi một minh quân phản ánh tình trạng bế tắc chính trị và xã hội, nơi mà người dân cảm thấy bất lực trước sự đàn áp.

Khi không còn niềm tin vào hệ thống chính trị, hoặc sự thay đổi thông qua cải cách, người dân thường chuyển từ việc đòi hỏi một hệ thống dân chủ sang niềm hy vọng vào một vị cứu tinh.

Tác giả cho biết, chế độ dân chủ cung cấp một giải pháp thực tế, và bền vững hơn cho xã hội. Dân chủ mang lại cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình quyết định chính trị, giám sát những người lãnh đạo và thay thế họ khi cần thiết.

Trong một chế độ dân chủ, quyền lực không nằm trong tay một cá nhân duy nhất, mà được chia sẻ và kiểm soát, thông qua các cơ chế như: pháp luật, bầu cử, và các tổ chức dân sự. Điều này bảo đảm rằng, ngay cả khi có những sai lầm từ phía lãnh đạo, hệ thống vẫn có thể tự điều chỉnh và sửa chữa, mà không phải dựa vào sự xuất hiện của một minh quân.

 

Minh Vũ – thoibao.de