Phải chăng Hoa Kỳ nghi ngờ về thực tâm của Việt Nam, trong việc muốn phát triển hơn nữa quan hệ song phương?

Truyền thông quốc tế đưa tin, vào giờ chót Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, vào ngày 25/9, bên lề kỳ họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại New York. Mặc dù trước đó có tin Tổng thống Biden từ chối gặp Tô Lâm.

Theo một số ý kiến, điều đó cho thấy, bất chấp áp lực từ các phe phái trong nội bộ Đảng, ông Tô Lâm vẫn kiên định với lập trường thân Hoa Kỳ và phương Tây, vẫn tìm cách gặp Tổng thống Biden cho bằng được. Trước khi đến Hoa Kỳ lần này, ông Tô Lâm đã chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên cho chương trình công du ngoại quốc, với tư cách Tổng Bí thư. Đây là truyền thống ngoại giao của các thế hệ lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và Tổng thống Joe Biden, là đúng vào dịp tròn 1 năm nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Điều này sẽ giúp Tô  Lâm nâng cao vị thế của ông trong nội bộ Đảng, giữa bối cảnh được  cho là quyền lực của ông đang sụt giảm nhanh chóng.

Tháng 6/2024, ông Tô Lâm – trên cương vị Chủ tịch nước, đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Việt Nam. Trung tuần tháng 8, ông cũng đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Bắc Kinh. Và hiện nay, trong chuyến đi công cán Hoa Kỳ, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden.

Một số phân tích cho rằng,  Tổng Bí thư Tô Lâm cố gắng thể hiện sự kiên định với chính sách “ngoại giao cây tre”, để tránh những nghi ngờ trong nội bộ Đảng. Do đó, diễn biến và kết quả cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Joe Biden, rất được công luận trong nước cũng như quốc tế chú ý.

Tuy nhiên, việc Mỹ từ chối công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, là một bước lùi rất lớn, trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. Việc Việt Nam không được công nhận, không chỉ vì Việt Nam không có nền kinh thế thị trường thực sự, mà còn do Hoa Kỳ vẫn có nhiều nghi kỵ đối với Hà Nội.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ sẵn sàng công nhận kinh tế thị trường cho các nước đồng minh, như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan, mặc dù, lúc bấy giờ, tình trạng nền kinh tế của các quốc gia này cũng không khác Việt Nam hiện nay. Mỹ đã cấp quy chế kinh tế thị trường, để giúp đỡ các nước này phát triển, dưới sự bảo hộ của Mỹ.

Hiện tại, Việt Nam không nhận được sự ưu ái đó. Vì lý do, Việt Nam chưa phải là đồng minh của Mỹ, liên quan đến ý thức hệ Cộng sản. Việc nội bộ lãnh đạo Việt Nam đang chia rẽ sâu sắc, với số đông thiên về Bắc Kinh, khiến chính quyền Biden nghi ngờ về thực tâm của Việt Nam, trong việc muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ.

Việc Mỹ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, cho thấy, cả 2 phía, Việt Nam và Hoa Kỳ, vẫn chưa có đủ thiện chí, và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa 2 bên hiện nay, chỉ mang tính hình thức.

Tuy nhiên, chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, đến Washington, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đối tác an ninh đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng liệu, Việt Nam có thể dựa vào Mỹ nhiều hơn, để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông hay không?

Câu trả lời sẽ là, không dễ để Mỹ can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải, giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo giới quan sát, trong tương lai, khi cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông ngày càng nghiêng về Trung Quốc, Mỹ sẽ khó mà hỗ trợ đồng minh và đối tác trong khu vực. Chỉ cần nhìn qua Philippines, Việt Nam nên thấy rằng, quan hệ đồng minh với Mỹ sẽ không giải quyết được triệt để các vấn đề an ninh nổi cộm hiện nay.

Một số nhận định cho rằng, hiện nay Hoa Kỳ rõ ràng chưa tin Việt Nam có thực tâm trong việc muốn phát triển hơn nữa quan hệ song phương.

 

Trà My – Thoibao.de