Không nhất thể hóa, Tổng Bí thư Tô Lâm có tiếp tục công cuộc cải cách được hay không?

Sau khi chính thức được Ban Chấp hành Trung ương “suy tôn” trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8, ông Tô Lâm ngay lập tức đã hùng hồn tuyên bố: “Việt Nam sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đồng thời, ông cũng đưa ra cam kết, sẽ đưa đất nước hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo một số ý kiến, Việt Nam cần có một nhân vật có động cơ cải cách, để rũ bỏ tất cả những tàn dư do Tổng Bí thư Trọng để lại. Người có thể đáp ứng được điều này, là Tổng Bí thư Tô Lâm. Trên thực tế, đã có một số thông tin và hy vọng, ông Tô Lâm sẽ là một nhân vật cải cách.

Một số đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm có tính cách giống cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cả ông Tô Lâm và ông Dũng đều từng là các cựu công an, và là những người thực dụng, trong các vấn đề đối ngoại và kinh tế.

Sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, trong một thời gian rất ngắn, cựu Thủ tướng Ba Dũng đã liên tiếp xuất hiện bên cạnh ông. Điều này khiến những người thân cận với cố Tổng Bí thư Trọng rất không hài lòng. Với lý do, họ rất không ưa ông Ba Dũng – người trước đây bị ông Trọng và phe cánh cáo buộc là “đứng đầu cho nhóm trục lợi, cho phép tham nhũng hoành hành, và có ý định bỏ xó hệ tư tưởng của Đảng”.

Những biến động của chính trường Việt Nam kể từ khi ông Tô Lâm nắm quyền, đã cho thấy, những nỗ lực của ông để trở thành một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, như ông Tập Cận Bình, không hề thuận lợi.

Hình như, đã có một “bàn tay vô hình” nào đó, cố tình ngăn cản sự thao túng quyền lực tuyệt đối của Tô Lâm. Ở góc độ sâu xa hơn, các thế lực chống lại ông, muốn ngăn chặn tiến trình xích lại gần nhau và quan hệ đang nồng ấm dần lên, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ lấy lý do kiên định với con đường Chủ nghĩa Xã hội, và nhân danh Đảng, để chống lại chủ trương cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tuy nhiên, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, ông Tô Lâm vẫn nhấn mạnh đến 2 chữ “đột phá”. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là những chỉ dấu cho thấy, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách của mình.

Phải chăng, ông Tô Lâm vẫn tiếp tục tiến trình  “nhất thể hoá” 2 chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, để tiếp tục tạo ra “đột phá về thể chế”? Cho dù tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, trong tháng 10/2024 tới đây, sẽ thực hiện việc bầu lại chức danh Chủ tịch nước. Đây là điều chắc chắn đến 99,99%.

Hơn thế nữa, sau Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm được cho là đang thất thế, trước áp lực của các phe cánh trung thành với Tổng Bí thư Trọng, với trung tâm là các tướng lĩnh quân đội thân Bắc Kinh.

Phe quân đội, về số lượng, hiện được đánh giá là nhiều nhất trong Đảng, chiếm khoảng 13% số ủy viên Trung ương. Đồng thời là lực lượng từ lâu đã cạnh tranh với phe công an, có thể kiểm soát quyền lực của ông Tô Lâm và phe cánh.

Điều này cho thấy, dường như có một cuộc tranh giành quyền lực mới giữa quân đội và công an, tương tự cuộc so găng giữa ông Trọng và ông Ba Dũng trước đây. Do đó, để đạt được mục tiêu cuối cùng, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn cần phải làm hài lòng các phe phái khác trong Đảng, nhất là phe quân đội, bằng cách dung hòa, chia sẻ các lợi ích về quyền lực và quyền lợi cho họ.

Việc ông Tô Lâm được cho là đã chủ động nhượng lại chức Chủ tịch nước cho phe quân đội, là một cách thông minh để ông làm hài lòng phe cánh đầy quyền lực này.

Tuy nhiên, theo một số suy đoán, Bắc Kinh khó có thể buông tha cho ông. Do đó, câu chuyện Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tiến hành cải cách toàn diện ở Việt Nam, là chuyện ít có khả năng trở thành hiện thực.

 

Trà My – Thoibao.de